Kinh điển Đại thừa Kinh điển Phật giáo

Sau đây là một số kinh điển Đại thừa tiêu biểu:

Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh

Một trang của Kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh bản Hán văn

Bộ này nói về Bát-nhã, Bát-nhã-ba-la-mật-đa (sa. prajñāpāramitā). Trong hệ thống này, Bát-nhã được xem là khả năng hiểu được "sự thật như nó vẫn là", không chứa bất cứ một luận cứ triết học nào cả, chỉ nhằm thẳng bản chất của sự có, đặc biệt chỉ bằng cách dùng phương pháp nói ngược. Cơ sở quan trọng ở đây là sự vật không có hai mặt, mà trên nó, tất cả những phương pháp nhị nguyên để nhìn vào sự vật đều bị bác bỏ: Các pháp - các hiện tượng - không tồn tại mà cũng không không tồn tại, nhưng lại mang dấu ấn của tính Không, với sự vắng mặt lâu dài của một "bản chất không biết". Nhất tự bát-nhã kinh minh họa quan điểm Bát-nhã-ba-la-mật-đa bằng cách dùng tiếp đầu âm अ a tiếng Phạn. Chữ अ khi gắn vào đầu một từ thì sẽ phủ định nó, cho nó một nghĩa ngược lại.

Nhiều bộ kinh Bát-nhã được biết với tên là độ dài hoặc số dòng kệ tụng chúng chứa đựng. Edward Conze, người đã dịch tất cả những bộ kinh Bát-nhã còn được lưu lại bằng Phạn ngữ sang tiếng Anh, đã nhận ra bốn thời kì phát triển của hệ kinh này:

  1. 100 TCN-100: Bảo đức tích tụ bát-nhã (sa. ratnaguṇasaṃcayagāthā) và Bát thiên tụng bát-nhã (sa. aṣṭasāhasrikā).
  2. 100-300: Thời kì phát triển với Bát nhã 18.000, 25.000, và 100.000 dòng được biên tập. Kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh (sa. vajracchedikāprajñāpāramitā-sūtra) có thể được viết trong thời gian này.
  3. 300-500: Thời kì lắng đọng lại. Bát-nhã tâm kinhNhất tự bát-nhã được biên tập.
  4. 500-1000: Văn bản thời này bắt đầu mang dấu tích của Mật giáo, chịu ảnh hưởng của Đát-đặc-la.

Kinh điển hệ Bát-nhã đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các trường phái Phật giáo Đại thừa.

Diệu Pháp Liên Hoa kinh

Diệu Pháp Liên Hoa kinh (zh. 妙法蓮華經, sa. saddharmapuṇḍarīka-sūtra) cũng được gọi tắt là kinh Pháp Hoa, có lẽ được biên tập vào thời kì 100 TCN đến 100 CN. Trong kinh này, đức Phật đã chỉ rõ có nhiều cách để giác ngộ, nhưng chúng chỉ là phương tiện nhất thời và thực chất chúng chỉ là một. Các phương tiện khác nhau như Thanh Văn thừa, Độc Giác thừa, hay Bồ Tát thừa thật ra chỉ khác nhau vì nhu cầu phù hợp với căn cơ của hành giả. Phật chỉ tùy cơ duyên, sử dụng các Phương tiện (sa. upāya) mà nói Tam thừa nhưng thực chất chỉ có Phật thừa (sa. buddhayāna) – để dẫn đến Giác ngộ, bao trùm cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa.

Một điểm đáng lưu ý ở đây là sự (tái) xuất hiện của Phật Đa Bảo (zh. 多寳, sa. prabhūtaratna) - vốn đã nhập diệt nhiều kiếp trước - vì sự việc này gợi ý là chúng sinh vẫn có thể cầu Phật sau khi Phật nhập Niết-bàn, và như vậy Phật sống vô lượng kiếp vì đã tích tụ vô lượng vô số công đức trong các tiền kiếp. Quan điểm này, không nhất thiết phải bắt nguồn từ kinh Pháp Hoa, đã dẫn đến khái niệm Tam thân của một vị Phật. Trong thời gian sau đó, kinh này quan hệ mật thiết với tông Thiên Thaitông Nhật Liên tại Nhật Bản.

Tịnh độ kinh

Có ba bộ kinh chính được xếp vào loại này, đó là: Vô Lượng Thọ kinh (zh. 無量壽經, sa. sukhāvatīvyūha-sūtra), Quán Vô Lượng Thọ kinh (zh. 觀無量壽經, sa. amitāyurdhyānasūtra) và A-di-đà kinh (zh. 阿彌陀經, sa. amitābhasūtra, cũng được gọi là Tiểu Vô Lượng Thọ kinh 小無量壽經). Ba bộ này miêu tả nguồn gốc và bản chất của Tây phương Tịnh độ, nơi ở của Phật A-di-đà, liệt kê 48 lời nguyện của Pháp Tạng khi còn là một vị Bồ Tát. Ngài phát nguyện dựng nên một Tịnh độ, nơi chúng sinh với tâm thức thanh tịnh có thể thác sinh, sửa mình theo Phật pháp mà không gặp chướng ngại. Chúng sinh chỉ cần niệm tên, ngợi ca công đức của Phật A-di-đà là có thể tái sinh vào cõi Cực Lạc. Ba bộ kinh này (Tịnh độ tam bộ kinh 淨土三部經) trở thành cơ sở của Tịnh độ tông mà niềm tin đặt hết vào nơi tha lực trong quá trình tu tập.

Duy-ma-cật sở thuyết kinh

Duy-ma-cật sở thuyết kinh là một bộ kinh độc lập, được biên tập vào khoảng đầu thế kỉ thứ 2. Bồ Tát Duy-ma-cật xuất hiện dưới dạng cư sĩ để thuyết pháp, nhấn mạnh đến việc tu tập của hàng cư sĩ. Về mặt giáo lý thì kinh này giống kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Một chủ đề lớn khác trong kinh này là các Tịnh độ của chư Phật (Phật độ 佛土, sa. buddhakṣetra), đã ảnh hưởng lớn đến Tịnh độ tông sau này. Kinh này rất phổ biến tại các nước theo Đại thừa Phật giáo tại Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, và Việt Nam, có lẽ vì giáo lý trong kinh thích hợp với Nho giáo.

Tam-ma-địa kinh

Kinh văn loại này này được xem là những bộ kinh Đại thừa cổ nhất. Chúng nhấn mạnh việc thành tựu các cấp Tam-ma-địa (zh. 三摩地, sa. samādhi), "định", trong lúc ngồi thiền, và như thế gợi thấy là thiền định đã giữ một vị trí quan trọng trong Đại thừa ban sơ. Thuộc loại kinh này là Bát-chu-tam-muội kinh (zh. 般舟三昧經, sa. pratyutpannabuddhasammukhāvasthita-samādhi-sūtra) và Thủ-lăng-nghiêm-tam-muội kinh (zh. 首楞嚴三昧經, sa. śūraṃgamasamādhisūtra).

Sám hối kinh

Tam uẩn kinh (sa. triskandhasūtra) và Kim quang minh tối thắng vương kinh (gọi tắt là Kim Quang Minh kinh) đặt nặng đến việc tự kể về mình, sám hối tội lỗi. Đặc biệt là bộ kinh Kim Quang Minh được vương triều Nhật Bản thời ấy chú trọng. Một chương của trang này được triều đình dùng để chính thống hóa hình thức cai trị và dùng làm cơ sở cho một đất nước phồn thịnh lý tưởng.

Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh

Là một bài kinh tổng hợp nhiều thành phần, cụ thể là Thập địa kinh (zh. 十地經, sa. daśabhūmika-sūtra) và Hoa Nghiêm kinh. Có lẽ bộ kinh có được dạng này vào khoảng thế kỉ thứ 4, mặc dù các thành phần của nó, như những phần được nói bên trên, được xem là xuất hiện ở thế kỉ thứ 1 hoặc thứ 2. Kinh Hoa Nghiêm được xem là nguồn của sự tôn xưng đức Phật Đại Nhật, sau này, kinh là cơ sở phát triển của bộ Đại Tì-lô-giá-na thành Phật thần biến gia trì kinh (zh. 大毘盧遮那成佛神變加持經, sa. mahāvairocanābhisambodhitantra), một trong hai bộ kinh trung tâm của Chân ngôn tông, cũng được đưa vào Đại tạng kinh Tây Tạng trong nhóm Hành đát-đặc-la (sa. caryā-tantra). Kinh Hoa Nghiêm sau trở thành bộ kinh chính của tông mang cùng tên, tông Hoa Nghiêm tại Trung Quốc với giáo lý xoay quanh sự xuyên suốt của vạn vật.

Kinh thời chuyển pháp luân thứ ba hay kinh hệ Duy thức

Trang đầu của bộ Nhập Lăng-già kinh, bản Hán văn

Đây là những bộ kinh nói về thuyết "duy tâm", "duy thức" có liên hệ với Du-già hành tông (sa. yogācārin). Kinh Giải thâm mật (~ thế kỉ thứ 2) được xem là bộ kinh cổ nhất của loại này. Kinh này chia giáo lý của Phật thành ba loại và gọi là "ba thời chuyển pháp luân". Thuộc lần "quay bánh xe pháp" đầu tiên là những bài kinh hệ A-hàm của hàng Thanh Văn; thuộc loại kinh thời chuyển pháp luân thứ hai là bộ kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa và cuối cùng, các bộ kinh liệt kê chính chúng vào lần chuyển pháp luân thứ ba. Thêm vào đó, kinh thuộc hai thời đầu được xem là vị liễu nghĩa, "chưa được giảng rõ ràng", mà chỉ những bộ kinh thuộc thời thứ ba này được xem là "liễu nghĩa", bao hàm ý nghĩa trọn vẹn. Bộ Nhập Lăng-già kinh cũng được xếp vào loại này mặc dù có bản chất tổng hợp nhiều giáo lý, pha trộn giáo lý Du-già với hệ thống Như Lai tạng và có vẻ như các vị sư khai sáng Duy thức tông không nhắc đến hoặc không lưu ý đến nó. Kinh này giữ một vị trí quan trọng trong Thiền tông.

Như Lai Tạng kinh

Thuộc về loại này là các bộ Như Lai tạng kinh (zh. 如來藏經, sa. tathāgatagarbhasūtra), Thắng Man sư tử hống nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh (zh. 勝鬘師子吼一乘大方便方廣經, sa. śrīmālāsiṃhanādasūtra) và Đại bát-niết-bàn kinh (zh. 大般涅槃經, sa. mahāparinirvāṇasūtra) hệ Đại thừa (rất khác với bộ kinh cùng tên văn hệ Pali). Ba bộ kinh này dạy rằng, mỗi chúng sinh đều có Như Lai tạng, được dịch và hiểu là Phật tính, Phật chủng (hạt giống Phật). Phật tính ở đây chính là khía cạnh của mỗi chúng sinh vốn đã giác ngộ và vì vậy có khả năng làm chúng sinh giác ngộ. Đây là một trong những ứng đáp quan trọng nhất từ phía Phật giáo cho vấn đề của nội tại và siêu việt. Giáo lý Như Lai tạng gây ảnh hưởng rất lớn cho nền Phật giáo Đông Á và tư tưởng này có thể được tìm thấy - dưới dạng này hay khác - trong tất cả các trường phái Phật giáo tại đây.

Kinh tập hợp

Thuộc về loại này là hai bộ kinh rất lớn với tính cách tập hợp những bộ kinh khác. Kinh Đại bảo tích (zh. 大寶積經, sa. mahāratnakūṭasūtra) bao gồm 49 bài kinh riêng biệt, và Đại tập kinh (zh. 大集經, sa. mahāsaṃnipātasūtra), gồm 17 bài kinh tương đối ngắn. Cả hai bộ kinh đều được xem là được biên tập vào thế kỉ thứ 5, mặc dù chứa những bài kinh cổ hơn nhiều.

Kinh nói về sự thác sinh và nơi thác sinh

Một số kinh tập trung vào các nghiệp dẫn đến sự thác sinh vào những cõi khác nhau, hoặc đặc biệt chú trọng đến giáo lý duyên khởi với 12 nhân duyên.

Kinh nói về giới luật

Thuộc về loại này là những bộ kinh nói về các nguyên tắc hướng dẫn các vị Bồ Tát. Ba bộ kinh tiêu biểu cho loại này là:

Kinh nói về những nhân vật được sùng bái

Có nhiều bộ kinh nói về bản chất và công đức của một vị Phật, Bồ Tát, hoặc các Tịnh độ đặc thù của chư vị, bao gồm Văn-thù-sư-lợi (zh. 文殊師利, sa. mañjuśrī), Địa Tạng (zh. 地藏, sa. kṣitigarbha), Phật A-súc (zh. 阿閦, sa. akṣobhya) và Phật Dược Sư (z. 藥師, sa. bhaiṣajyaguru).

Tiền Đại thừa kinh

Đầu thế kỉ 20, một kho kinh điển được tìm thấy trong một gò đất gần Gilgit, Afghanistan. Một trong số kinh văn được tìm thấy là bộ Vô năng thắng quân kinh (sa. ajitasenasūtra). Kinh này dường như là một sự kết hợp của tư tưởng Đại thừa và Tiền đại thừa. Nội dung kinh diễn biến trong phạm vi ngôi chùa của các tăng-già, giống như trường hợp các bộ kinh văn hệ Pali; kinh không có những điểm tương phản giữa hàng Thanh Văn (hoặc Tiểu thừa) hoặc nhắc đến thánh quả A-la-hán như trường hợp các kinh văn Đại thừa khác như kinh Pháp Hoa hoặc kinh Duy-ma-cật. Tuy nhiên, kinh cũng nhắc đến một A-la-hán thấy được các cõi Phật. Kinh nói rằng việc niệm danh kinh sẽ cứu độ chúng sinh thoát khỏi khổ đau cũng như các đoạ xứ, và một cách thiền quán được kinh văn đề cao là sẽ giúp hành giả thấy với cặp mắt Phật, và nhận giáo lý từ chư vị. Những điểm này rất giống với kinh văn Đại thừa sau này.

Kinh luận ngoài tiêu chuẩn

Luận văn chú giải, diễn giảng của Đại thừa rất nhiều và rộng, và trong nhiều trường hợp, các bài luận này được xem là quan trọng hơn cả kinh văn tiêu chuẩn.

Căn bản trung quán luận tụng (zh. 根本中觀論頌, sa. mūlamādhyamikakārikā) của Long Thụ (zh. 龍樹, sa. nāgārjuna) là bộ luận nền tảng của triết học Trung quán, có chủ đề như các bộ kinh thuộc hệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa mặc dù không hẳn là luận văn chú giải các bài kinh này.

Vào khoảng thế kỉ thứ 9, Tịch Thiên (zh. 寂天. sa. śāntideva) tác phẩm hai luận văn quan trọng là Nhập bồ-đề hành luận (sa. bodhicaryāvatāra) và Tập học luận (sa. śikṣāsamuccaya). Nhập bồ-đề hành luận có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều nhánh Đại thừa và cũng là bài luận vừa ý nhất của đức Đạt-lại Lạt-ma thứ 14, Đăng-châu Gia-mục-thố. Luận bắt đầu với việc thực hiện nghi lễ tôn kính, sau đó tiến đến phần giảng giải sáu Ba-la-mật-đa. Chương thứ 9 là một cách trình bày quan điểm Bát-nhã-ba-la-mật-đa của trường phái Trung quán-Cụ duyên (zh. 具緣派, sa. prāsaṅgika) cũng như chê trách những trường phái Phật giáo khác trên cơ sở Trung quán. Tập học luận, như tên cho thấy, là một bài luận tập hợp các giáo lý từ nhiều bài kinh Đại thừa. Nhiều bộ kinh được nhắc đến trong luận đã không còn nữa, chỉ biết được qua những lời trích dẫn trong kinh.

Đại sư Vô Trước (zh. 無著, sa. asaṅga) là người sáng lập trường phái Duy thức. Tương truyền Đại sư đã tiếp nhận nhiều bộ luận từ Bồ Tát Di-lặc tại cung trời Đâu-suất (sa. tuṣita). Những bộ luận đó là:

  1. Biện trung biên luận tụng (sa. madhyāntavibhāga-kārikā)
  2. Đại thừa kinh trang nghiêm luận tụng (sa. mahāyānasūtralaṅkāra-kārikā)
  3. Hiện quán trang nghiêm luận tụng (sa. abhisamayā-laṅkāra-nāmaprajñāpāramitā-upadeśa-śāstra [-kārikā] thường được viết tắt là abhisamayālaṅkāra-śāstra)

Đại sư Vô Trước cũng được xem là tác giả của Nhiếp đại thừa luận (sa. mahāyānasaṃgraha), Du-già sư địa luận (sa. yogācārabhūmi-śāstra) và Đại thừa a-tì-đạt-ma tập luận (sa. abhidharma-samuccaya). Đại thừa a-tì-đạt-ma tập luận có thể được xem là luận văn tổng hợp giáo lý A-tì-đạt-ma và đã trở thành bộ luận tiêu chuẩn trong nhiều trường phái Đại thừa, đặc biệt là tại Tây Tạng. Riêng Du-già sư địa luận có thể là tác phẩm của nhiều người.

Em của Đại sư Vô Trước là Luận sư Thế Thân (zh. 世親, sa. vasubandhu) đã viết nhiều bộ luận Duy thức như:

  1. Tam tính luận (sa. trisvabhāva-nirdeśa)
  2. A-tì-đạt-ma-câu-xá luận (sa. abhidharmakośaśāstra)
  3. Duy thức nhị thập luận (tụng) (sa. viṃśatikāvijñāptimātratāsiddhi-kārikā)
  4. Duy thức tam thập tụng (sa. triṃśikā-vijñāptimātratāsiddhi-kārikā)....

Tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất của Luận sư Thế Thân tại Đông Á có lẽ là Duy thức tam thập tụng. Theo một vài nhà nghiên cứu thì có thể có đến hai vị luận sư cùng tên Thế Thân và người trước đã viết bộ A-tì-đạt-ma-câu-xá luận, người sau đã soạn những tác phẩm Duy thức. Tuy nhiên, nhà Phật học Lê Mạnh Thát đã chứng minh trong The Philosophy of Vasubandhu rằng chỉ có một Thế Thân và giả thuyết "hai Thế Thân" có một cơ sở sai lầm.

Trần-na (zh. 陳那, sa. (mahā-)dignāga, diṅnāga) được xem là đại biểu của trường phái Nhận thức học (en. epistemology), gọi theo thuật ngữ nhà Phật là Nhân minh học (sa. hetuvidyā). Tập "đại thành" của Trần-na là Tập lượng luận (sa. pramāṇasamuccaya), được Pháp Xứng (zh. 法稱, sa. dharmakīrti) bổ sung thêm bài luận giải cơ bản, rất có giá trị là Lượng thích luận (zh. 量釋論, sa. pramāṇavarttika-kārikā).

Đại thừa khởi tín luận (sa. mahāyānaśraddhotpāda-śāstra) của Đại sư Mã Minh (zh. 馬鳴, sa. aśvaghoṣa) có ảnh hưởng rất lớn đến nền Phật giáo Đông Á, đặc biệt là trường phái Hoa Nghiêm tại Trung Quốc và Nhật. Các tác phẩm còn lại của Đại sư Mã Minh cũng rất được ưa chuộng.